Giáo dục giới tính cho trẻ là giáo dục nam phải ra nam, nữ phải ra nữ
Tại hội thảo “Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong Chương trình giáo dục phổ thông”, một trong những vấn đề được chú trọng chính là giáo dục giới.
Theo PGS.TS Kim Thoa: “Hoạt động trải nghiệm được lồng ghép bình đẳng giới là yếu tố vô cùng quan trọng. Chúng ta phải hiểu rằng, việc giáo dục bình đẳng giới không chỉ làm thế nào để quyền lợi của phụ nữ được chú trọng hơn, mà ở đây trong chương trình Hoạt động trải nghiệm ngay từ nhỏ chúng tôi giáo dục nam phải ra nam, nữ phải ra nữ. Nam và nữ không phải là một.
PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa, tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ảnh: Lê Văn. |
Cũng theo PGS.TS Kim Thoa, trước khi muốn bình đẳng giới chúng ta phải biết chúng ta là ai, biết mình là ai thì sẽ có phần giới, sau đó làm thế nào để học sinh có hành động, hành vi ứng xử theo giới, điều đó vô cùng quan trọng.
“Ví dụ, chúng ta giáo dục người phụ nữ như cây tre và cái mạnh của người phụ nữ thông qua sự mềm mại, cho nên tất cả những cái đó chúng ta nên đưa vào giáo dục về giới”, PGS.TS Kim Thoa nhấn mạnh.
Đồng thời, PGS.TS Kim Thoa cũng phân tích, chúng ta lựa chọn những đặc trưng của nữ và nam những đặc trưng của nam, trong cái đặc trưng ấy chúng ta không được ngăn cản. Ngoài ra, chúng ta nên hướng dẫn các con thực hiện bình đẳng giới thông qua lời ăn, tiếng nói, hành động. Qua đó, để cho con hiểu rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn khi tất cả ứng xử có văn hóa.
PGS.TS Kim Thoa nhấn mạnh: “Bình đẳng giới là chúng ta giáo dục nhiều về thái độ tôn trọng, là con người không kể nam hay nữ chúng ta phải tôn trọng nhau. Làm thế nào để cho mỗi cá nhân khi nhìn vào thế mạnh của mình, biết mình cần phải chọn nghề gì để phù hợp với thế mạnh đó”.
Theo PGS.TS Kim Thoa, việc lựa chọn nghề cũng phần nào đó có định hướng giới, khi lựa chọn nghề ấy chúng ta tôn trọng sự bình đẳng giới. Ví dụ, những bạn nữ có thể chọn nghề nào đó có thiên về nam hoặc có những bạn nam chọn nghề thiên về nữ đôi lúc gia đình không muốn. Những lúc như thế này, chúng ta cũng phải có định hướng, làm công tác tư tưởng để các em thực hiện nghiêm túc lựa chọn nghề của mình.
Chúng ta cũng phải hiểu, bình đẳng giới không có nghĩa là có 3 nam xuất hiện là có 3 nữ đứng bên cạnh. Ngoài ra, nếu như tính một cách cơ học, số hình ảnh nữ xuất hiện ít hơn nam chẳng hạn thì cái đó chưa hẳn là tiêu chí để đánh giá.
Giáo dục tài chính ngay từ nhỏ
Theo Tổng chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm PGS.TS Kim Thoa, giáo dục tài chính được đưa vào chương trình Hoạt động trải nghiệm là rất thích hợp. Cụ thể, trong giáo dục tài chính, PGS.TS Kim Thoa đưa ra ví dụ cách giáo dục chi tiêu trong gia đình cho học sinh Tiểu học.
“Giả dụ như bậc Tiểu học, chúng ta cho các con tự tính toán đi chợ. Cụ thể, có 50 nghìn, con phải tính toán làm sao đi chợ mà bữa ăn đó đủ chất dinh dưỡng cho 4 người. Khi chúng ta dạy con làm như vậy, có nghĩa là giáo dục tài chính trong gia đình cho con. Giáo dục con biết tính toán, chi tiêu tiết kiệm trong gia đình”, PGS.TS Kim Thoa nói.
Ngoài ra, PGS.TS Kim Thoa cũng đưa ra những hoạt động trải nghiệm để các con học cách kiếm tiền, như tổ chức hội chợ hay các con có thể tự làm đồ vật để bán đấu giá… những hoạt động như thế giúp các con có thể kiếm tiền bằng chính năng lực và sự sáng tạo của mình.
“Điều quan trọng hơn là làm thế nào để các con biết sử dụng đồng tiền có ý nghĩa. Ví dụ, các con dùng tiền của mình kiếm được để quyên góp, làm từ thiện hoặc sử dụng quỹ như thế nào để cho quỹ phát triển hơn nữa…. là hoạt động trải nghiệm mà chúng tôi đưa ra trong chương trình của mình”, PGS.TS Kim Thoa nói.
Còn đối học sinh THCS, THPT mục tiêu làm thế nào để học sinh có thể xây dựng điểm mạnh và phát triển tài chính cho cá nhân. Đồng thời, làm thế nào để xây dựng kết hoạch đường đời mà tất cả những cái đó luôn gắn đến với tài chính. “Trong quá trình thực hiện các con có thể dự toán kinh phí và sử dụng như thế nào cho có hiệu quả”, PGS.TS Kim Thoa nhấn mạnh.
Theo Ngô Chuyên (Công Lý)