Đừng để phụ huynh 'sợ'… thầy cô

Không thể phủ nhận ý định tốt đẹp của một số thầy cô trong công tác chủ nhiệm nhưng rõ ràng với cách thức liên hệ, phê bình, nhắc nhở phụ huynh thiếu tế nhị, chưa phù hợp với không gian và thời gian cũng chưa lắng nghe và tìm biện pháp phối hợp với gia đình giáo dục học sinh nên các thầy cô đó đã tạo tâm lí nặng nề khi gặp phụ huynh.

Đừng để phụ huynh 'sợ'… thầy cô

Buổi họp cha mẹ học sinh vừa qua của trường tôi không thành công cho lắm. Số phụ huynh có mặt chỉ hơn phân nửa. Lớp tôi chủ nhiệm cũng mới vươn tới con số 70%. Ban giám hiệu đề nghị cần khắc phục, tìm ra nguyên nhân để kì họp cuối năm có số lượng đông hơn.

Tôi cũng băn khoăn đem chuyện này ra bàn với ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thì được biết: bên cạnh việc một số cha mẹ bận lo sinh kế, có một số ngại đến họp vì phải tham gia đóng góp cho trường về vật chất. Nhưng có một ý kiến rất lạ làm tôi phải suy nghĩ: ấy là do chính giáo viên chủ nhiệm mà cha mẹ các em không muốn đến dự họp. Thấy tôi thật lòng, vị đại diện ở lớp mới nói thiệt: nguyên nhân là do ở một số lớp, giáo viên chủ nhiệm quá nhiệt tình. Nhiệt tình mà gây hậu quả không như mong muốn là điều tôi sắp trao đổi với các bạn đây.

Với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục của học sinh lớp chủ nhiệm, không ít các thầy cô luôn sát sao với lớp. Nghĩa là mọi hoạt động của học sinh, nhất là các em có vi phạm nội quy hay điểm số học tập còn thấp đều được thông báo về cho cha mẹ các em, tỉ mỉ đến độ vào lớp muộn vài phút, thiếu dụng cụ học tập, đùa to tiếng một chút… cũng thông báo nhắc nhở. Thoạt đầu, những thông tin này được cha mẹ các em đón chào, xem đây là sự liên hệ mật thiết giữa nhà trường và gia đình nhưng về sau những tin tức như đã nói không còn được gia đình quan tâm nữa vì đa phần nhỏ nhặt, họ cho rằng thầy cô có thể xử lí tại lớp, đâu cần báo về cho gia đình.

Có phụ huynh nhận được thư mời trao đổi về hạnh kiểm của con mình, khi đến gặp mới biết do uống nước trong giờ học mà không xin phép giáo viên, em bị quy là thiếu tự chủ, không kiềm chế được bản thân! Phụ huynh khác được mời vào chỉ với lí do con gái đi giày gót cao quá trông như người mẫu… Và nhiều lí do khác nữa.

Thật ra, những vi phạm như đã nói của các em chỉ cần dành thời gian trao đổi riêng là có thể thu được kết quả tốt, đâu cần mời cha mẹ các em vào. Do việc phát thư mời vào gặp giáo viên chủ nhiệm nhiều lần quá trong khi mức độ vi phạm chưa cần thiết phải có mặt nên dần dần cha mẹ các em không đến nữa. Lúc đó, thầy cô chủ nhiệm lại cho rằng gia đình không hợp tác trong giáo dục con cái.

Một số thầy cô chuộng cách thông tin qua điện thoại. Khi phụ huynh bắt máy là nghe phê bình ngay: Thầy A than phiền em X hay nói chuyện trong giờ toán, vui lòng điều chỉnh con nhé! Cô Y đánh giá em T vô lễ với giáo viên, yêu cầu rèn luyện hạnh kiểm cháu! Hậu quả là các em bị cha mẹ la rầy, vì mất thể diện với thầy côm họ không cho các em trình bày hay tìm hiểu lí do cặn kẽ. Các em không còn lòng tin vào thầy cô chủ nhiệm vì thầy cô hay “méc” gia đình quá!

Tôi cũng biết có thầy cô gặp phụ huynh bất kì ở nơi nào, trong đám tiệc hay trên đường đi, nơi ít người hay giữa đám đông liền tranh thủ thông báo các khuyết điểm của học sinh và kèm lời răn đe: Phải nhanh chóng khắc phục nếu không muốn hạnh kiểm bị hạ bậc, bị cảnh cáo dưới cờ, bị ra hội đồng kỉ luật và nhiều thứ bị khác. Chưa biết các em bị gì nhưng cha mẹ các em bị một phen ê mặt trước mọi người. Một lần khác, tôi thấy một giáo viên chủ nhiệm dắt tay một phụ huynh vào văn phòng, mở máy tính và chỉ vào bảng điểm của học sinh này thông báo: Đó, văn, toán, cả sử mà “nó” cũng dưới trung bình, gia đình liệu mà tính đi. Học vầy mà lên lớp sao nổi.

Tội nghiệp cho phụ huynh kia, mặt biến sắc trước hàng chục thầy cô khác. Cuối cùng, phụ huynh này chỉ biết phân trần: Tôi đâu tới đây để xem điểm của con. Tôi biết con tôi học yếu cũng đang tính cho cháu đi học nghề đây. Hôm nay tôi đến đóng học phí còn nợ mà thầy đưa tôi vào đây làm gì, lại công bố học lực điểm số con tôi trước nhiều người như vậy! Nói xong, vị phụ huynh này bực bội bước ra ngoài không thèm chào thầy chủ nhiệm một tiếng. Thầy chủ nhiệm chưng hửng, phân bua với đồng nghiệp: Hết biết, mình chỉ muốn cha mẹ thấy tận mắt điểm số của con, ai ngờ! Chứ mấy phụ huynh khác đâu có ai nói gì!

Tôi có thêm bài học trong công tác chủ nhiệm: lắng nghe, chia sẻ và hợp tác cùng phụ huynh và hơn tất cả là sự khoan dung trước lỗi lầm của học sinh.

Theo Giáo dục & Thời đại
Newer Posts Older Posts