Vệ sinh họng cho trẻ nhỏ như thế nào?
Họng là một ống chạy từ nền sọ cho tới vùng thanh quản (tức là nơi có bộ phận phát âm chính). Cấu trúc bề mặt của họng là hệ thống biểu mô trụ, giả tầng, có lông chuyển và có các tuyến chế tiết nhầy. Bình thường trong lớp chất nhầy tiết bên trên bề mặt của họng đã có chức năng bảo vệ vì có chứa rất nhiều các đại thực bào và các chất có thể bắt giữ bụi bẩn và vi khuẩn tạo ra một chút đờm nhỏ và trẻ sẽ tự nuốt vào và được thải ra qua đường tiêu hóa.
Họng cũng là vùng có nhiều đám rối thần kinh tạo ra các phản xạ bảo vệ cơ thể như phản xạ co thắt để bảo vệ đường thở khi có vật gì khác không khí đi vào phổi, tuy nhiên ở trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 24 tháng, các phản xạ này chưa điều tiết được ổn định vì thế một số trường hợp lại gây ra phản xạ co thắt quá mức gây ngừng thở. Trong một vài y văn có đề cập tới một số trường hợp chỉ đè lưỡi mà trẻ đã xuất hiện cơn ngừng thở dẫn tới tử vong.
Chính vì thế, việc mà bạn gọi là vệ sinh họng là không được thực hiện, việc bạn mô tả thực ra là vệ sinh khoang miệng. Sử dụng gạc để vệ sinh lợi, lưỡi và khoang miệng cũng có thể gây tổn thương niêm mạc vùng này nếu động tác mạnh và việc này ít nhiều cũng làm cho lớp thảm nhầy bảo vệ vùng này bị mất đi và các tác nhân dễ tác động vào các vị trí sâu hơn để gây bệnh. Ngoài ra, trong một số trường hợp khi đưa vật dụng vào khoang miệng của trẻ quá 1/3 ngoài của lưỡi, trẻ sẽ có động tác nuốt thụ động và nếu bạn sử dụng không thành thạo có thể bị rơi vào trong gây dị vật họng rất nguy hiểm.
Vậy bạn có thể làm gì: Sau mỗi bữa ăn của trẻ bạn chỉ cần sử dụng một thìa nước đun sôi để nguội, làm ấm và cho trẻ uống (chỉ khoảng 2ml).
Nếu bạn thấy trong miệng trẻ có nhiều lớp tưa màu trắng thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Theo PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Nguyễn Thúy Lan (Lâm Đồng)